1. Phẫu thuật che phủ chân răng bằng vạt trượt đẩy sang bên có ghép niêm mạc:
Hình ảnh: Phẫu thuật che phủ chân răng
Đối với phương pháp này đòi hỏi bác sĩ răng hàm mặt đã được đào tạo về phẫu thuật nha chu và có người trợ giúp. Các phương tiện cần thiết bao gồm bộ dụng cụ phẫu thuật nha chu, thuốc và vật liệu như: thuốc tê, dung dịch sát khuẩn, cồn, Oxy già, nước muối sinh lý, kháng sinh, kim, chỉ khâu, xi măng phẫu thuật,…
Trước khi tiến hành phẫu thuật cần kiểm tra hồ sơ bệnh án của bệnh nhân, sau đó chụp phim X quang xác định tình trạng xương ổ răng và chân răng vùng phẫu thuật, đánh giá tình trạng toàn thân. Sau các bước thực hiện sửa soạn sát khuẩn, bề mặt chân răng bị hở, bờ lợi, tạo vạt lợi, lấy mảnh ghép, ghép mô liên kết, khâu đóng vạt biểu mô và phủ xi măng phẫu thuật vùng cho ở vòm miệng và ở vùng nhận. Cuối cùng là theo dõi và xử lý tình huống sau phẫu thuật nha chu.
2. Phẫu thuật che phủ chân răng bằng vạt niêm mạc toàn phần:
Đây là kỹ thuật điều trị hở chân răng bằng ghép vạt niêm mạc toàn phần lấy từ vòm miệng. Các bước chuẩn bị và thực hiện đều khá tương tự với phương pháp phẫu thuật trên như sát khuẩn, sửa soạn bề mặt chân răng bị hở bằng siêu âm nha khoa hoặc mũi khoan tròn nhỏ tốc độ chậm hở, sửa soạn bờ lợi bằng dao mổ số 15, lấy mảnh ghép che phủ chân răng và phủ xi măng phẫu thuật.
3. Phẫu thuật che phủ chân răng bằng ghép mô liên kết dưới biểu mô:
Hình ảnh: Ca lâm sàng của kỹ thuật tạo hình nha chu thẩm mỹ
Đây là kỹ thuật tạo hình nha chu thẩm mỹ, sử dụng mảnh ghép mô liên kết lấy từ vòm miệng để che phủ phần chân răng bị hở. Sau khi thực hiện các khâu quan trọng trong phẫu thuật tạo hình nha chu, điều quan trọng nhất là bước ghép mô liên kết. Các bác sĩ sẽ đặt mảnh mô liên kết vào vùng nhận, chỉnh sửa cho phù hợp. Sau đó khâu cố định mảnh ghép bằng việc khâu dọc vào các nhú lợi và khâu ngang vào các mép của vùng tiếp nhận. Đồng thời, khâu treo mảnh ghép vào các răng, móc vào màng xương của đáy vùng nhận.
4. Phẫu thuật che phủ chân răng bằng vạt trượt sang bên:
Là kỹ thuật sử dụng vạt niêm mạc lợi trượt sang bên để che phủ phần chân răng bị hở ra do tụt lợi. Để tạo vạt lợi, bác sĩ dùng dao số 15 để tạo ba đường rạch, tách vạt bằng dao tách vạt bán phần, để lại màng xương. Sau đó, di chuyển vạt sang bên bằng cách vạt lợi che kín vùng chân răng bị lộ. Chú ý không để vạt bị căng. Sau đó khâu đóng vạt bằng mũi khâu rời, rồi khâu giữ vạt bằng mũi khâu treo vào nhú lợi và răng. Dùng xi măng phẫu thuật phủ kín vùng phẫu thuật.
5. Phẫu thuật che phủ chân răng bằng đặt màng sinh học:
Đây là kỹ thuật điều trị hở chân răng bằng phẫu thuật vạt niêm mạc có đặt màng sinh học. Màng sinh học có nguồn gốc tự nhiên hoặc tổng hợp. Có màng sinh học tự tiêu và không tiêu, trong kỹ thuật này sử dụng màng sinh học tự tiêu. Các bác sĩ cần cắt màng sinh học cho phù hợp với hình dáng bề mặt chân răng bị lộ sao cho kích thước của màng phải rộng hơn kích thước vùng co lợi 3 mm mỗi chiều rồi tiếp theo đó là khâu cố định màng.
Mỗi phương pháp có ưu và nhược điểm riêng nên đòi hỏi tùy vào tình trạng và mong muốn của bệnh nhân, các bác sĩ có thể lựa chọn phương pháp phẫu thuật hợp lý và hiệu quả nhất để hiện thực hóa ước mơ có một khớp cắn chuẩn, một khuôn hàm đẹp cho bệnh nhân.