Tổng quan về đặc điểm giải phẫu hệ thống ống tủy:
Giải phẫu hệ thống ống tủy răng
Nhìn chung, hình thái khoang tủy tương ứng với hình dáng thân răng còn các ống tủy tương ứng với hình dạng chân răng.
Nghiên cứu của Hess (1925) bằng phương pháp khử khoáng mô cứng và những nghiên cứu gần đây bằng kính hiển vi điện tử quét cho thấy sự phức tạp của hệ thống ống tủy trong lòng mô cứng.
Cấu tạo các đoạn cong bất thường của ống tủy chính, sự phân nhánh của các ống tủy phụ và hình thể đa dạng của hệ thống ống tủy trên diện cắt ngang thường gây khó khăn trong điều trị.
Các nghiên cứu nổi bật về hệ thống ống tủy răng:
Nghiên cứu của Kasahara và cộng sự (1990) cho thấy 60% các mẫu của răng cửa giữa hàm trên có ống tủy phụ phân nhánh ở cuống răng. Trong đó 45% lỗ cuống nằm sát đỉnh chóp chân răng. Nhóm răng cửa bên hàm trên có lỗ cuống nằm sát đỉnh chóp chân răng và răng nanh hàm trên có ống tủy dài nhất. Ống tủy cong ở đoạn 1/3 cuống về phía xa, ít ống tủy phụ.
Nghiên cứu của Hess cho thấy 37,6% các mẫu răng cửa hàm dưới có hai ống tủy.
Nghiên cứu của Bejamin (1974) về giải phẫu hệ thống ống tủy của nhóm răng cửa hàm dưới cho kết quả 41,1% các mẫu có hai ống tủy.
Phần lớn các răng 4 hàm trên thường có hai ống tủy nằm trong hai chân răng riêng biệt, dính nhau ở rãnh phát triển.
Giữa hai ống tủy thường có đoạn nối liên kết và các nhánh phụ ở cuống răng tạo thành hệ thống kênh nối chẳng chịt.
Nghiên cứu của Carns và Skidmore cho thấy có 6% các răng 4 hàm trên có ba chân, ba ống tủy và ba lỗ cuống răng riêng biệt.
Đặc điểm cơ bản của ống tủy bên và ống tủy phụ:
Cấu trúc hệ thống ống tủy răng chi tiết
Dưới kính hiển vi, cấu trúc của hệ thống ống tủy răng có thể được mô tả chính xác hơn, nhất là đối với ống tủy bên và ống tủy phụ.
Các ống tủy bên và ống tủy phụ được hình thành ngay từ giai đoạn phát triển chân răng.
Vì vậy, ở người trẻ (dưới 35 tuổi), các ống tủy bên và ống tủy phụ rộng và rõ nét hơn.
Chúng bắt đầu thu hẹp dần khi ở tuổi trung niên và thường bị ngà lấp gần như kín ở người già. Đặc biệt là những người mắc bệnh viêm quanh răng.
Chức năng cơ bản của hệ thống ống tủy răng:
Mô tủy có bốn chức năng đối với quá trình phát triển sinh lý và tiến triển bệnh lý của mô cứng với các tác nhân ngoại lai cũng như nội tại.
Đầu tiên, đó là chức năng tạo ngà phản ứng trong các tổn thương mô cứng.
Thứ hai là chức năng dinh dưỡng. Có nghĩa là các mô tủy chứa hệ thống mạch máu nuôi dưỡng toàn bộ các thành phần sống của phức hợp tủy – ngà.
Chức năng thần kinh dẫn truyền cảm giác và thần kinh vận mạch.
Cuối cùng đó là chức năng bảo vệ, được thực hiện qua quá trình tái tạo ngà răng, phục hồi mô cứng, ngăn cản sự xâm nhập của vi khuẩn vào mô tủy và đáp ứng miễn dịch.
Việc nắm bắt và đánh giá đặc điểm giải phẫu hệ thống ống tủy răng sẽ giúp ích rất nhiều trong quá trình điều trị.
Đồng thời, nha sĩ có thể kết hợp với kiến thức chuyên sâu về mô tủy để phân tích được tình trạng bệnh lý của người bệnh. Điều này đảm bảo cho điều trị nội nha cực hiệu quả.
(Nguồn: Sưu tầm)