Hệ thống nhai là gì?
Hình ảnh: Đặc điểm giải phẫu hệ thống nhai
Hệ thống nhai được hiểu là một tổng thể, một đơn vị chức năng bao gồm bộ răng và nha chu, xương hàm, khớp thái dương hàm, các cơ liên hệ đến vận động của xương hàm dưới, hệ thống môi – má – lưỡi, hệ thống tuyến nước bọt, các cơ cấu cơ – thần kinh và mạch máu nuôi dưỡng, chi phối và duy trì chức năng của các cơ quan trên.
Chức năng của hệ thống nhai bao gồm bú, cắn, nhai nghiền, nuốt và các chức năng “công cụ”, “vũ khí” rất đa dạng của con người như chức năng nói, chức năng giao tiếp (bao gồm chức năng thẩm mỹ) và biểu cảm,… để biểu đạt tư duy bằng lời nói, thể hiện cảm xúc cũng như những mối liên hệ khác với tự nhiên, cộng đồng xã hội và con người cụ thể.
Với từng răng riêng lẻ thì có một ý nghĩa lâm sàng quan trọng nhưng tự nó không thể thực hiện được chức năng nhai. Chỉ khi các răng nằm trong tương quan đúng với nhau về giải phẫu và sinh lý để tạo thành bộ răng chúng mới trở thành một thành phần cơ bản của hệ thống nhai. Vì vậy chúng cần được nghiên cứu một cách tổng thể trong sự liên hệ với chức năng của nó.
Các đặc điểm giải phẫu hệ thống nhai:
Hình ảnh: Hoạt động nhai
Hệ thống nhai liên quan đến nhiều cấu trúc khác nhau, trong đó có thể kể đến đầu tiên đó là hệ thống xương khớp vùng mặt như xương hàm trên và dưới, khớp thái dương hàm. Đặc biệt, khớp thái dương hàm là thành phần quan trọng trong bệnh sinh và triệu chứng học của bệnh loạn năng khớp thái dương hàm.
1. Khớp thái dương hàm:
Diện khớp xương thái dương gồm có hai phần: hõm khớp (mandibular fossa) thuộc phần trái xương thái dương và chỏm thái dương (articular tubercule of temporal bone) liên tiếp với hõm khớp, nằm trước hõm khớp.
Đĩa khớp:
Đĩa khớp là một tấm xơ sụn, hình bầu dục với trục lớn nằm ngang, mặt dưới cong lõm theo hai chiều ngoài trong và trước sau, mặt trên cong lõm phía trước và cong lồi phía sau. Theo chiều ngoài trong thì đĩa khớp ở phía trong dày hơn, chiều dày ở trung tâm đĩa là 1mm, ở phía trước là 2-4 mm, ở phía sau là 4-6 mm. Bờ ngoài đĩa hơi mỏng hơn và là nơi duy nhất có mạch máu và dây thần kinh đến .
Bao khớp:
Bao khớp là một bao hình trụ tạo bởi những sợi đàn hồi, chiều dày 2-3 mm. Phía trên bám vào bờ trước chỏm thái dương, đáy gai bướm, bờ trước của khe Glaser, mỏm gò má. Phía dưới bám quanh lồi cầu. Bao khớp gồm có 2 lớp nông và sâu. Lớp sâu do bám vào đĩa khớp nên chia làm 2 phần: Bao khớp thái dương – đĩa, bao khớp đĩa – lồi cầu. Lớp nông không bám vào đĩa khớp mà chỉ phủ ngoài lớp sâu.
Ở phía sau, những sợi thái dương – đĩa khớp tạo thành một dây phanh, hãm chuyển động ra trước của đĩa. Những sợi ở phía sau này tạo thành một đệm sau lồi cầu, rất giàu mạch máu, giãn ra khi há miệng và nhờ vào tính đàn hồi mà kéo đĩa trở về lại vị trí cũ khi ngậm miệng
Ở phía trước: Bao khớp được chia thành hai phần là trên và dưới, chiều dài không bằng nhau. Phần trên là do biệt hóa của bám tận cơ chân bướm ngoài (phía trong) và cơ thái dương (phía ngoài). Phần dưới là do biệt hóa của bám tận cơ cắn.
Dây chằng:
Có nhiều dây chằng nối lồi cầu với nền sọ, có nhiệm vụ giới hạn phạm vi vận động của lồi cầu. Các dây chằng lại được chia thành thành 2 nhóm: dây chằng tại khớp và dây chằng ngoài khớp.
2. Hệ thống cân, cơ nhai:
Các cơ chính điều khiển chuyển động hệ thống nhai gồm có: Cơ cắn, cơ thái dương, cơ chân bướm trong, cơ chân bướm ngoài, các cơ trên móng và dưới móng. Ngoài tác dụng ăn nhai các cơ này còn phối hợp với các cơ cổ giúp giữ sọ thăng bằng trên cột sống cổ và chức năng này có vai trò quan trọng trong bệnh viêm khớp thái dương hàm.
Để giữ đầu ở tư thế thẳng đứng sao cho có thể nhìn thẳng về phía trước, thì các cơ bám phía sau đi từ sọ tới vùng xương sống cổ và vai phải tăng trương lực. Một số cơ phục vụ chức năng này là cơ thang, cơ ức đòn chũm.
3. Cơ quan răng:
Cơ quan răng bao gồm răng (men, ngà, xi măng) có nguồn gốc từ nang răng và tổ chức quanh răng (lợi, xi măng răng, dây chằng quanh răng, xương ổ răng). Xi măng và dây chằng quanh răng biệt hóa từ túi răng và xung quanh đó là xương ổ răng. Nghiên cứu hình thể răng và cung răng cho phép hiểu được mối liên quan giữa hai hàm răng và quan điểm khớp cắn bình thường cũng như những yếu tố nguy cơ.
Mặt nhai là phần hoạt động của thân răng được tạo bởi các rãnh và múi. Có thể là một múi (răng nanh) hay nhiều múi (răng cối lớn và cối nhỏ) hay thành bờ cắn (răng cửa).